Chuyện “cuộc sống dưới đất, quy định…trên trời” làm nóng nghị trường

Những văn bản của một số bộ, ngành, địa phương quy định lạc điệu với cuộc sống, nhiều người ví “ngồi trên trời làm chính sách” lại làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (30/5). Quốc hội dành trọn ngày để thảo luận về tì

Những văn bản không phù hợp, bất khả thi do một số bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến khiến dư luận bức xúc thời gian qua. Có thể kể đến như: Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó có những quy định không khả thi như: “Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc”.

Hay Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp, Phát triển nông thôn quy định “bán thịt trong 8 giờ”. Nhiều quy định khác cũng được cho là “ghi cho có” như người dân nấu rượu phải có giấy phép, bán rượu “cuốc lủi” cũng phải dán tem, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, hút thuốc nơi công cộng bị xử phạt…

Phát biểu tại hội trường sáng nay, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc: “Nhiều bộ ngành đã đề xuất hoặc trực tiếp ban hành các quy định xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật. Những văn bản như vậy gây bức xúc dư luận, mất lòng tin trong dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu lực quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo tình trạng nhờn pháp luật”.

Đại biểu Nga cho rằng, có những quy định bất hợp lý dù mới chỉ dưới dạng dự thảo nhưng đã gây xáo trộn tâm lý, đời sống người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh vì doanh nghiệp và người dân thường đón đầu xu hướng thay đổi chính sách để điều chỉnh tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh.


Đại biểu Lê Thị Nga bức xúc trước những quy định xa rời thực tiễn.

Nguyên nhân một phần do các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chấp hành nghiêm, một phần do chất lượng của công tác thẩm định và kiểm tra văn bản. Bà khẳng định, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành theo thẩm quyền chưa tốt, giữ vai trò “gác cổng” nhưng đã để lọt lưới khá nhiều…

Trong khi đó, dù quy định chế tài xử phạt là cần thiết, nhưng cách xây dựng chính sách lại làm cho người dân có cảm giác như chỉ thiên về xử phạt nhiều hơn, trong khi đây là biện pháp cuối cùng để chính sách đi vào cuộc sống. Việc xử phạt chỉ nên áp dụng sau khi Nhà nước đã đảm bảo đủ điều kiện cho người dân tự giác chấp hành.

Đại biểu Lê Thị Nga cũng cho rằng, các quy định chưa bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh. Chẳng hạn, đối với mũ bảo hiểm, suốt 6 năm qua các cơ quan có trách nhiệm đã buông lỏng quản lý chất lượng và quản lý thị trường ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh (Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào cuộc mới phát hiện số mũ không đảm bảo chất lượng phổ biến tới 70%). Do đó, vấn đề mấu chốt là xử phạt cơ sở sản xuất mũ giả, không đảm bảo chất lượng chứ không phải nhằm vào người dân vốn khó phân biệt thật, giả.

Quy định “bán thịt trong 8 giờ” của Bộ NN&PTNT vừa ban hành phải hủy bỏ vì bất khả thi.
Quy định “bán thịt trong 8 giờ” của Bộ NN&PTNT vừa ban hành phải hủy bỏ vì bất khả thi.

Một số văn bản ban hành quá chậm không theo kịp yêu cầu cuộc sống như Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu bộc lộ bất hợp lý, song cơ quan tham mưu chậm kiến nghị điều chỉnh. Nhiều sự việc các bộ, ngành bất nhất quan điểm, có khi trong một tuần, một tháng mà các bộ liên tục đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, “thể hiện sự bất nhất, thiếu tầm nhìn và thiếu vai trò điều phối trong tư duy quản lý điều hành”.

Đáng chú ý, theo đại biểu, thực trạng một số công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định văn bản có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế song hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do tham mưu, đề xuất ban hành văn bản sai.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến phân tích tình hình kinh tế khó khăn và kiến nghị “lối ra”. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho biết, 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể. Khó khăn còn khó dự đoán bởi lãi suất tuy giảm nhưng tín dụng ngân hàng không tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, nhiều đơn vị đang phải đối mặt với những khoản vay quá hạn lãi cao. Ông đề nghị cần có giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay cần giảm xuống 8%, đồng thời hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 10%, áp dụng hồi tố cho các khoản vay từ 1/1/2013.


Đại biểu thảo luận tại Quốc hội.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) thì cho rằng, hiện chúng ta đã làm tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, cần quan tâm chống giảm phát.

Thị trường vàng tiếp tục gây chú ý. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thỏa đáng, cần làm rõ tại sao lại chênh lớn như vậy. Ông khẳng định, dù Ngân hàng Nhà nước giải thích chênh lệch này không ảnh hưởng đến tỷ giá và mất ổn định kinh tế vĩ mô nhưng điều này vẫn gây tâm lý nhất định trong một bộ phận nhân dân.

Bổ sung quan điểm, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lo ngại, giá vàng dù chưa gây ảnh hưởng tỷ giá, bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng đã gây bất bình trong dư luận xã hội. Do đó, phải sớm giải quyết khoản chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường (phát thanh, truyền hình trực tiếp). Bộ trưởng một số Bộ, ngành sẽ giải trình các thắc mắc được các đại biểu quan tâm như: Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư sẽ giải thích về những sai số trong số liệu thống kê và tình hình tái cơ cấu kinh tế chậm trễ; Bộ trưởng Công thương giải trình về việc chống hàng lậu, hàng giả; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời về chính sách điều hành thị trường vàng…

Công ty dịch vụ bảo vệ Ngày & Đêm

Bài đăng này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.